Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2007

SỐNG THỰC DỤNG, ĐƯỢC HAY MẤT?



SỐNG THỰC DỤNG, ĐƯỢC HAY MẤT?

Nhắm mắt đưa chân vào một nơi “sẵn nong, sẵn né” để mong hưởng thụ cuộc sống đầy đủ mà không cần có tình yêu. Đó là cái đích nhắm tới của nhiều cô gái trẻ. Nhưng đặc biệt ở chỗ, họ đều là những cô gái có nhan sắc và công việc ổn định.


Có một nghịch lý là cuộc sống càng hiện đại thì con người càng muốn nhanh hưởng thụ। Lớp trẻ ngày nay suy nghĩ quá nhiều về lợi ích cho bản thân, tiền bạc, danh vọng… Họ sẵn sàng đánh đổi nhân cách, tình yêu và gia đình để chạy theo cuộc sống xa hoa và lấy đó là vật “trao đổi”: anh có tiền, có danh, em có nhan sắc, cả hai ta đều có lợi.

“Gái ham tài, trai ham sắc” là quy luật muôn đời và người đời chẳng thể nào phê phán, các cô gái dựa vào “cái lý” đó để biện minh cho mình song hiện nay, cái tài cái sắc ấy lại trở thành thứ “hàng hoá” để các chị đem ra ngã giá cho chính cuộc đời của họ.

Hiền là một ví dụ điển hình cho cuộc sống hưởng thụ gấp gáp của cô. Yêu nhau đã được hơn 5 năm, cuộc tình của Hiền ai ai cũng thán phục. Từ những ngày học chung trường Cao đẳng Kinh tế, Hiền và Trung đã được bạn bè biết đến bởi tình yêu trong sáng của họ. Đi đâu cũng có nhau, Trung học khá nên luôn giúp đỡ Hiền vượt qua các kỳ thi trước sự ngưỡng mộ của bạn bè cùng lớp; còn Hiền, cô được bố mẹ người yêu quý như con gái. Mối tình của họ đẹp đến mức chưa bao giờ bạn bè thấy họ giận nhau. Ngày ra trường, ai cũng mong ngóng được đến dự đám cưới của họ. Nhưng thật bất ngờ, trong đám cưới đình đám ấy, cô dâu Hiền xinh đẹp lộng lẫy trong tay một chú rể… hơn cô tới 11 tuổi.

Thì ra, trong một tuần đi nghỉ mát xả stress sau kỳ thi, tại Nha Trang, cô gặp Hòa, giám đốc một công ty TNHH. Ngây ngất trước vẻ đẹp ngay ngây thơ của Hiền, Hòa nhanh chóng tìm cách làm quen. 34 tuổi, quá dạn dày, nên chẳng mấy chốc Hiền cũng “mủi lòng”. Cái mác Giám đốc, lại có căn nhà to tại Hà Nội đã khiến Hiền dễ dàng quên mối tình sâu nặng với Trung. Sau 3 tháng, cô vội vã làm đám cưới trong sự ủng hộ của chị gái “Không ai sướng bằng em, được làm vợ sếp, lại ở nhà lầu. Lấy thằng Trung thì biết đến bao giờ mới mở mày mở mặt”.

Câu chuyện dứt mối tình bao năm vun vén để mong “sướng hơn thiên hạ” của Hiền là rất phổ biến hiện nay. Nhiều cô gái thấy bạn mình lấy chồng giàu cũng sinh lòng đố kỵ quyết tìm cho mình một anh chàng “ngon” hơn thế, cả về tiền tài lẫn danh vọng, bước một bước lên xe hơi…

Chẳng nói đâu xa, Ly, một cô gái năng động, làm việc cho một công ty nước ngoài, lương cũng 300 – 400USD và cô cũng có một chàng người yêu hết lòng chiều chuộng. Bạn bè, người thân của 2 bên đều biết nhau, không những thế họ hết mực ủng hộ mối tình của hai người. 4 năm Ly và Hải đi du học mỗi người một nơi, vậy mà khi về nước hai người vẫn quấn quýt, cùng nhau đi mua nhà, tính chuyện cho ngày cưới. Thế rồi, đùng một cái, Ly nói lời chia tay, chạy theo anh chàng “mỗi tháng kiếm 1000USD” bỏ mặc Hải với ngôi nhà vừa xây sửa, cô lý giải: “Mình sống ở nước ngoài nên suy nghĩ thực tế, không viển vông như xưa nữa đâu.”


Lối sống thực dụng dần trở thành một căn bệnh khó chữa, không những vậy số người “mắc phải” cứ tăng đều đều. Cuộc sống vật chất khó khăn đã đành, trong khi đó các cô gái thời nay đều có phần nhan sắc mặn mà, có bằng cấp và thu nhập khá… Vậy thì do đâu? Khi được hỏi, nhiều cô gái thú nhận rằng họ quen sống sung sướng trong nhung lụa, bố mẹ lo cho từ A – Z, nếu lấy chồng phải lo kinh tế sẽ không chịu được. Ly còn hùng hồn: “4 – 5 triệu tiền lương mình tiêu không đủ, nếu thêm đứa con thì làm sao nuôi nó. Trong khi đầy rẫy các anh chàng xin chết thì tội gì không kén anh giàu. Như đứa bạn mình, vừa ra trường “cặp” với ông hơn nó gần 20 tuổi, bây giờ ung dung, lại được chồng xin việc, bố mẹ chả phải lo ”. Còn Hiền thì tuyên bố với bạn bè: “Ông chồng tao có tài, tao có sắc. Tài và sắc đương nhiên phải gặp nhau. Tình yêu bây giờ là chuyện phù phiếm, không có tiền thì yêu làm sao nổi”.

Hàng trăm lý do các cô gái đưa ra để bao biện cho lối sống “tham vàng bỏ ngãi”. Họ bất chấp gia đình, bất chấp cả việc mất nhân cách và phẩm giá của người con gái để “có mới nới cũ” mà không cần quan tâm xem họ có yêu mình không và mình có tình cảm với họ không, hay chỉ là “anh cần vợ, em cần tiền”. Rất nhiều cuộc “mua bán” như thế có một kết cục đau buồn và khi họ hối hận thì đã quá muộn.

Hiền cưới xong, cô không lo đi làm, sinh con ngay và ở nhà chồng nuôi, được 1 năm cô mới vỡ lẽ ra cái chức danh Giám đốc của chồng mà cô “ngưỡng mộ” chỉ là giám đốc ảo, và ngay cả ngôi nhà 4 tầng cô đang ở cũng là nhà đi thuê. Khi phát hiện ra thì mọi chuyện đã muộn, cô đành phải chấp nhận đi thuê căn nhà cấp 4 làm chỗ ở cho mình. Ngày họp lớp cô không dám đến vì sợ ngượng mặt với bạn bè và người yêu cũ.

Còn Ly, tuy chưa kết hôn song chứng nào tật ấy, cô “đứng núi này trông núi nọ”, 28 tuổi nhưng vẫn chưa biết mình “cập bến” ở đâu vì người đến sau và người đến trước “kẻ tám lạng người nửa cân”, mà cô lại không muốn mất người nào. Cuối cùng những người đàn ông “trong mộng” của cô dần nhận ra bản chất thực dụng đó và tìm cách “tháo chạy”. Ly bắt đầu sốt ruột cho tương lai của mình…

(Sưu tầm)